Được tạo bởi Blogger.

Làm quen với figure - một thú chơi, một nền văn hóa

Mỗi bức tượng được xem như một tác phẩm nghệ thuật với các chi tiết được thiết kế đầy tinh xảo, nhằm mục đích duy nhất là để “nuông chiều” con mắt của người mua theo chiều... 3D..

Thế giới Figure - Thế giới nghệ thuật
Figure, theo nghĩa tiếng Anh dịch tạm sang tiếng Việt, có nghĩa là “tượng”. Những chỉ dùng từ “tượng” không thôi cũng chưa chắc diễn đạt được hết ý nghĩa của Figure, một nền văn hóa, một thú sưu tầm lâu đời đang phát triển mạnh mẽ ở khắp nơi trên thế giới với trọng điểm chính là Nhật và Mỹ.

Nghe thú vị nhỉ? Vậy tại sao không làm thử một chuyến “du lịch ngay trên giấy” vào thế giới của Figure. Đi cùng với đoàn, chúng tôi đã mời được một “hướng dẫn viên” đặc biệt không kém đến từ đất nước mặt trời mọc, đó là Danny Choo, một blogger nổi tiếng với các bài, ảnh về figure, cosplay, các đồ công nghệ lẫn cuộc sống ở Nhật Bản. Chúng ta hãy cùng bắt đầu cuộc hành trình của mình nào!

DANNY CHOO - một chuyên viên đánh giá các Figure

Figure bắt nguồn từ đâu?

Tất nhiên bắt đầu từ Mỹ rồi! Nhưng cũng như truyện tranh, hoạt hình lẫn game, nơi khiến các figure đâm hoa kết trái mạnh mẽ nhất vẫn là Nhật Bản. Nơi có môi trường phát triển tuyệt vời cho figure, khi mà các tập anime - manga lẫn game xuất hiện đều đặn hàng ngày, kèm theo là hình ảnh nhân vật dễ thương, được nhiều người biết đến và ưa thích.

Trong khi nhiều ngành sản xuất đang bị đình trệ, manga đang bị thoái trào, đĩa DVD anime bị than quá đắt đỏ, thì ngành sản xuất figure hầu như không chịu tí ảnh hưởng gì. Sản phẩm xuất xưởng còn dày đặc hơn trước. Cũng đúng thôi, khi mà cũng với một giá tiền mua một cái đĩa, bạn có thể mua từ 1 đến 2 figure đẹp đẽ để đem về nhà rồi tha hồ ngồi ngắm.” - Danny cho biết.

Tuy ra đời từ năm 1964, nhưng mãi đến thập kỷ 1980, figure mới thực sự đơm hoa kết trái. Điển hình trong đó là dòng Transformer, một sự kết hợp hoàn hảo giữa Takara và Hasbro trong mong muốn tạo nên một Figure hình hài người máy nhưng “sống được”, tức biết cử động với các khớp nối, cũng như thay đổi hình hài.

Bàn làm việc của Danny

Thế nhưng, người Nhật chỉ để ý đến figure khi mà những bức tượng của các chú chuột Mickey, Donald bắt đầu xâm nhập vào các cửa hàng bán quà lưu niệm ở xứ sở Phù tang. Chúng mềm mại, dễ thương và uyển chuyển hơn là các con robot thô ráp, dữ dằn của Hasbro – Takara. Và rồi, những công ty figure bắt đầu xuất hiện, công nghệ sản xuất theo đó cũng không ngừng tăng lên, từ tượng bằng thạch cao, plastic rồi đến ngày nay là sử dụng PVC với độ bền cao gấp nhiều lần trước kia.

"Một trong những lý do chính khiến thời này chỉ sản xuất các mẫu figure người máy, nhân vật truyện tranh Mỹ, thay vì các nhân vật hoạt họa Nhật Bản hay Disney nhiều màu sắc là do công nghệ. Các máy cắt, ép không thể bo tròn các góc cạnh “ngọt” như thời nay, mà nếu muốn thế thì phải gia công bằng tay, như vậy rất đắt và tốn thời gian” – Danny bật mí thêm.

Sức cuốn hút của figure từ đâu?

Cũng giống như artbook, người ta mua figure về để thưởng lãm cái đẹp là chính. Tuy nhiên, figure khác với artbook không chỉ ở chỗ mắc tiền hơn, mà giá trị của nó cũng rất đặc biệt. “Tôi không thích artbook, bởi chẳng có thời gian để mà xem, cũng chẳng thể nào bán lại khi không dùng đến.” – Danny nói. “Nhưng với figure, nó lại là một phạm trù hoàn toán khác. Và bạn cũng đừng bao giờ gọi figure là búp bê (doll) nhé. Không thì sẽ làm phật lòng nhiều người, trong đó có cả tôi nữa đấy!”.

Mỗi bức tượng được xem như một tác phẩm nghệ thuật với các chi tiết được thiết kế đầy tinh xảo, nhằm mục đích duy nhất là để “nuông chiều” con mắt của người mua theo chiều... 3D. Có figure, người ta không còn cần phải nhìn, rồi sờ lên trang giấy để tưởng tượng ra hình ảnh của các nhân vật mình yêu thích nữa, nó ở ngay trước mắt, tự do cho người chủ cầm nắm, ngắm nhìn dưới đủ mọi góc độ và rồi trầm trồ trước những mẫu thiết kế tinh xảo trên figure mình vừa mới mua về.

Một trong những Figure đình đám hiện nay

Sẽ chẳng gì tuyệt hơn nếu xung quanh bạn toàn là figure với những nhân vật dễ thương bước ra từ truyện tranh. Và mỗi khi đưa mắt nhìn chúng, tinh thần tôi thoải mái hơn rất nhiều, đặc biệt là khi gánh trên vai một khối lượng công việc lớn hiện nay.” – Danny vừa nói vừa chỉ vào góc làm việc bày biện toàn những figure. “Sử dụng vào mục đích trang hòa phòng ốc, chưng diện bàn làm việc, kệ sách cũng là một mục đích khác của người chơi figure.
Càng đi sâu vào, bạn càng hiểu được tại sao figure không thể so sánh với những thứ gọi là “đồ chơi”, “búp bê” như nhiều người lầm tưởng. Nó đã vượt ra khỏi định nghĩa của hai từ trên rồi. Người đến với figure chẳng bao giờ chơi với nó như hình ảnh những em bé, cậu bé chơi với con búp bê của mình. Họ “chơi” bằng ánh mắt là chủ yếu. Vì lý do đó, figure cũng thay đổi kiểu dáng của mình liên tục. Có phiên bản đứng thế này, nhưng sau lại đứng theo một thế khác.

Figure chủ yếu chơi bằng... mắt

“Sự sáng tạo không ngừng của các công ty sản xuất đã đem lại sức sống cho figure, cũng như cho những nhân vật mà họ sử dụng vào sản phẩm của mình. Cho fan một cái nhìn khác ở nhân vật mà mình yêu thích". Mà bởi chúng “sống” nên việc chơi figure cũng khác nhiều so với các thú chơi khác mà bạn từng biết

Chơi figure như thế nào?

Danny chia sẻ: “Thật may mắn khi chúng ta sống trong thời đại này, mọi thứ đều được làm sẵn và figure cũng không là ngoại lệ. Nếu như cách đây 1 thập kỷ, bạn khi mua 1 con figure về sẽ phải ngồi suốt đêm để tự tay sơn phết lại, hay lắp ráp cho chúng hoàn chỉnh, giá tiền lúc này rất mắc và độ bền cũng không bằng. Còn bây giờ? Chỉ cần cầm khoảng chừng 6.000 – 9.000 yên là bạn đã có tất cả, số tiền bỏ ra cũng rẻ hơn trước.

Thật vậy, hình ảnh người người cặm cụi phết màu lên từng bức tượng của mình đã qua rất lâu rồi. Thay vào đó là hàng loạt các dạng figure mới, được thiết kế trên vi tính, được máy móc gọt dũa với độ tinh xảo cao lẫn sơn phết màu đẹp, trung thực nhất. Hiện nay trên thị trường, nổi nhất có 4 dòng figure: đó là PVC Figure, Nendoroid, Figma, và Revoltech.

Nendoroid dễ thương

PVC figure, đúng như tên gọi của nó, là những figure được làm từ nhựa tổng hợp PVC với tỉ lệ thường thấy là từ 1/8 đến 1/6. “Đôi khi trong một số trường hợp đặc biệt, bạn sẽ thấy các con PVC figure lớn có tỉ lệ 1/1 hay 1/2, hoặc nhỏ hơn với tỉ lệ 1/16, 1/24 cũng có” – “Hướng dẫn viên” Danny nhận xét. Đây cũng là loại mà người viết thích nhất bởi không cần phải lắp ráp hay chỉnh sửa gì, chỉ cần lấy ra khỏi bao là có thể ngắm nhìn ngay nhân vật mà mình thích. Figure vừa to, vừa được thiết kế tinh xảo, các đường nét bo tròn nuột nà, màu sắc thì lại đẹp, dễ nhìn mà rất bền.

Nendoroid là một dạng mới của PVC figure nhưng với kích thước nhỏ hơn, vào khoảng 1/16. Điểm khác biệt lớn nhất giữa Nendoroid với figure thông thường là có cái đầu to, khuôn mặt có thể thay thế được với các mẫu mà hãng sản xuất bán kèm theo. Ngoài ra, người mua cũng có thể chỉnh sửa tư thế cho nendoroid của mình dễ dàng. Điểm mạnh của loại này là chúng có thể biến đổi theo ý thích người xem, mang nét dễ thương nhiều hơn. Tuy nhiên, do khả năng tùy biến cao khiến cho loại này không được bền cho lắm, lẫn rắc rối trong việc chỉnh sửa, quản lý các bộ phận linh tinh đi kèm. “Ngoài Nendoroid còn có dòng Nendoroid Petit nữa, nhỏ hơn, tinh xảo hơn.” – Danny cho biết thêm.

Figma là một dòng sản phẩm mới của hãng Good Smile Company. Nó là sự kết hợp giữa PVC figure và Nendoroid với các bộ phận có thể thay thế, tùy biến được. Bằng việc gắn những khớp nhựa tròn ở tay, chân nên việc thay đổi tư thế figma cũng dễ dàng hơn trước rất là nhiều. “Tuy độ tùy biến, đa dạng cao, nhiều người vẫn không có cảm tình với figma do nghĩ rằng, các khớp nhựa tròn đã làm xấu đi figure, khiến nó trở nên không thật và giống rối, búp bê hơn”.

Một figma đang đình đám hiện nay

Revoltech cũng tương tự như figma, là dòng sản phẩm nổi tiếng của hãng Kaiyodo. Điểm đặc biệt của dạng này là chúng có giá thành rất rẻ, bền, với các khớp “revolver” giúp cho việc chuyển động tay, chân. “Ý tưởng làm các khớp “revolver” này được dựa theo chú người rối Pinocchio của phim hoạt hình cùng tên.” – Danny cho biết. Các figure dòng này cũng có độ tùy biến cao giống như figma.

Nhiều chủng loại như thế, những tưởng việc lựa chọn sẽ rất khó khăn nhưng rốt cuộc cũng... bình thường thôi! Bạn không phải đoán mò như tìm mua artbook, không phải thấp thỏm khi đem về một tựa game để thử xem nó có thích hợp với mình hay không, bạn chỉ cần nhìn, “nếu nó đẹp và bạn cảm thấy thích nó thì lấy, còn không thì thôi, đừng tốn thời gian vô ích”. Một giá trị khác nữa ở figure cần được xem xét, đó là giá trị hiệu dụng mà nó mang lại.

Figure như thể artbook 4D

Với PVC figure, bạn chỉ có thể để một chỗ, nó giống như một chiếc bình hoa trong nhà vậy. Nhưng với nendoroid hay figma, bạn mang chúng theo dễ dàng. Tôi thích như thế! Bởi không phải lúc nào tôi cũng ở trong phòng làm việc cả. Tôi mang nó đi mọi lúc mọi nơi, từ đi ăn, đi dạo phố đến công tác xa nhà. Nhiều người cũng như thế thôi. Còn nếu chúng hư, cũng có một số công ty chuyên bán dụng cụ sửa chữa, thay thế. Điều này bất khả thi trong trường hợp của PVC.” – Danny chia sẻ kinh nghiệm của mình.

Nhưng đừng tưởng khi mua về rồi thì là xong nhé! “Bạn phải biết vệ sinh cho chúng hàng tuần hay hàng tháng giống như một món đồ trong nhà vậy. Nếu không, các lớp sơn có thể bị bong ra, hay nặng hơn là các khớp ở figma sẽ cứng ngắc, chẳng thể di chuyển được. Sau khi mua về, nên dùng khăn mỏng lau toàn bộ các bộ phận của figure để chắc rằng, sơn đã dính cứng, các lớp keo được chùi đi hoàn toàn.”

Vệ sinh và giữ gìn không đơn giản tý nào

Việc vệ sinh như thế này, lúc trước còn đơn giản, nhưng càng ngày càng phức tạp khi các hãng figure luôn tung ra các mẫu mới, tinh xảo hơn và cũng nhiêu khê với đủ thứ bộ phận, trang sức hơn. Bạn dễ dàng bắt gặp một figure có giá... trên trời, không phải vì chúng được làm tỉ mẩn, chất lượng mà bởi vì món đồ đi kèm theo như kiếm, cung, quạt,... được đưa vào cũng chi tiết không kém.

Ngoài những món có sẵn như thế, hãng còn tung ra một số mặt hàng “ăn thêm” như phông màn, dụng cụ trang sức dành riêng cho nendoroid, figma, vừa làm đa dạng thêm cho bộ sưu tập nhưng cũng làm người chơi mệt mỏi không kém ở công cuộc vệ sinh của mình. “Cái gì cũng đều có giá của nó cả.” – Danny nói.

“Hiện nay, có rất nhiều hãng sản xuất figure và mỗi hãng đều có những sở trường, sở đoản riêng. Ở đây tôi chỉ đề cập đến bốn hãng chính là Good Smile, Max Factory, Kotobukiya, Alter và Kaiyodo.”

- “Good Smile là một trong những hãng dẫn đầu hiện nay ở lĩnh vực sản xuất figma, nendoroid. Hầu hết figma trên thị trường lẫn trên bàn tôi hiện nay đều là của Good Smile. Còn ở PVC figure, hãng cũng là “ông trùm” khi các sản phẩm được làm ra chi tiết, nhân vật uyển chuyển, dễ thương và sắc sảo.”


Hồn của Nhật thể hiện một cách tinh tế

“So với Good Smile thì Max Factory kém hơn một chút. Từ khi chuyển qua sản xuất figma, thì hãng cũng có nhiều sản phẩm đáng chú ý và đạt được một số thành công nhất định. Dòng figuge từ PVC, Resin (một dạng nhựa) của Max Factory cũng nổi tiếng từ lâu nhưng khi đem so sánh lại không bằng Good Smile. Nó khá thô.”

“Còn Kotobukiya. Tôi thích nhất ở các sản phẩm của Kotobukiya là độ chi tiết của chúng cực cao, cả figma lẫn PVC, Resin. Các trang sức đi kèm cho figure cũng nổi trội hơn rất nhiều so với các hãng khác. Tư thế của figure cũng rất đặc biệt, lạ. Tuy nhiên, giá tiền khá đắt đỏ là trở ngại lớn nhất cho người mua. Kotobukiya hiện nay đang hợp tác với Marvel để sản xuất dòng figure các anh hùng Marvel. Sản phẩm mới ra gần đây của họ mà tôi thích là Iron Man với giá vào khoảng 10.000 đến 28.000 yên.

“Alter? Không có nhiều figure của hãng này. Hãng chủ yếu sản xuất figure, figma của các nhân vật trong game. Chi tiết cũng sắc sảo nhưng gương mặt nhân vật theo tôi thì vẫn chưa có thần cho lắm. Figure đôi khi cũng bị một số lỗi khác.”

“Còn Kaiyodo thì chắc không cần phải nói làm gì. Một trong những hãng làm figure lâu đời nhất ở Nhật Bản. Tuy figure hơi cứng nhưng gương mặt thì lại rất có thần, độ tùy biến cao. Kaiyodo tập trung vào các nhân vật anh hùng, người máy, nhân vật manga là chủ yếu.”

“Khác nhau nhưng các hãng đều có một điểm chung trong việc giới thiệu sản phẩm của mình, đó là sử dụng trình xử lý ảnh để chỉnh sửa các bức hình chụp sản phẩm. Có những lúc, bạn nhìn trên hộp thấy chúng có thể đứng như thế này, nhưng khi lấy ra và làm thử thì... chẳng thể làm được! Chỉ nhìn các bức ảnh trên mạng sẽ chẳng giúp ích được gì đâu bởi chỉ làm cho ta “ghiền” món đồ hơn thôi. Vì thế, việc tận mắt nhìn, sờ và đi theo cảm nhận thực của mình mới là trọng, không phải ham muốn nhất thời. Đây là đặc tính cần phải có cho nhũng ai muốn theo đuổi nghiệp sưu tầm figure lâu dài.” – Danny chia sẻ.

Bàn làm việc của Danny

Xu hướng của figure trong tương lai?

Bạn chẳng thể biết nếu không dám thử. Có thể lúc đầu bạn thấy chúng vô bổ, nhưng khi đã lỡ mua một con về rồi, tận hưởng vẻ đẹp của nó thì thực sự, khó mà dứt ra được. Bởi chúng như có một “linh hồn” trong đó, luôn luôn thay đổi, với độ tùy biến ngày càng cao. Nếu chúng có thể tự mình chuyển động được thì thật là hay quá. Một con robot nho nhỏ mang hình dáng của các nhân vật bước ra từ game hay truyện tranh luôn là một niềm ao ước của bất cứ người Nhật nào. Tất nhiên, có thể giá tiền để sở hữu được những figure “hạng sang” này sẽ... đắt lắm đấy. Tuy vậy, ta vẫn có quyền hy vọng chứ!” – Danny cười.

Còn bạn? Bạn có suy nghĩ? ...

Tiny Land Toys - theo VIỆT BẢO

với sự hỗ trợ của DANNY CHOO.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đồ chơi mô hình tĩnh, xe mô hình, chơi đồ chơi mô hình figure. Thông tin về đồ chơi mô hình; moto mô hình; xe mô hình mô hình tĩnh, hãy thư giãn với đồ chơi mô hình cùng Tinyland