Được tạo bởi Blogger.

Hoài Niệm Đồ Chơi Trung Thu Tàu Thủy Sắt Tây

Nhà nào cũng muối vài chục ang cà bát to tổ bố. Tầm tháng 4 đến tháng 6 âm là vụ cà đấy. Quãng năm 90 sau nhà tôi là cả cánh đồng cà bát ngát luôn. Đêm đêm ông già còn vác đèn pin đi canh trộm nữa cơ. Các cụ cứ bảo đất nghèo nuôi những anh hùng. Tôi thấy làng tôi nghèo mà chả thấy anh hùng nào cả. Nói chung muối cà là cả một nghệ thuật mà có dịp tôi sẽ biên tut sau. Trong phạm vi bài viết này tôi nói về cái nghề thợ thiếc, cái nghề truyền thống của cả làng Khương Hạ, cái nơi làm ra món tàu thủy sắt tây đồ chơi trung thu đình đám một thời.


Hoài Niệm Đồ CHơi Trung Thu Tàu Thủy Sắt Tây


Làng nghề này bắt đầu từ bao giờ thì đố ai biết, muốn biết thì phải hỏi các nhà sử học. Nhưng đoan chắc là tầm cuối thế kỷ 18, đầu 19 thì làng Khương Hạ đã làm nghề thợ thiếc rồi. Sở dĩ tôi nói như vậy vì ngay nhà tôi, từ đời bố ông Đồng Quỹ đã bắt đầu làm. Ông Đồng Quỹ là cụ ngoại tôi, đẻ ra 4 ông là Cả Dần, Hai Ta, Ba Luân và Tư Nhâm. Ông Tư Nhâm là ông ngoại tôi, người mà nói về tàu thuỷ sắt tây thì dân buôn các phố hàng không ai không biết. Dân Khương Hạ có khoảng 100 nhà làm nghề thợ thiếc. Nhà thì chuyên gò thùng tôn, chậu nhôm. Nhà thì chuyên làm còi sắt. Nhà thì làm con bướm xập xoè, con thỏ gõ trống. Nhà lại chuyên tàu thuỷ sắt tây, xe ô tô tải có thằng người đúc bằng chì. Có nhà chuyên làm trống xúc xắc bằng sắt có hai viên sỏi nhỏ bên trong. Nhà làm đèn bão. Nhà làm thùng tưới nước. Nhà làm chân cắm hương vòng bằng sắt tây. Rồi thì chóp mũ cối... Nói chung là nhiều loại sản phẩm và mỗi nhà chuyên biệt một vài sản phẩm thôi. Cả làng thợ thiếc Khương Hạ nếu nói về làm tàu thuỷ sắt tây thì phải nhắc tới những cái tên như ông Tư Nhâm, ông Cỏn, ông Ba Trình, Tư Oa… Không nhiều lắm, chừng chục nhà thôi. Những nhà khác trong làng có vài nhà cũng làm nhưng số lượng không nhiều nên không đáng nhắc tới.

Nguyên liệu chính để làm tàu thuỷ chính là sắt tây. Trước đây các cụ dùng những lá sắt tây mỏng nhưng nhìn chung là giá thành khá cao. Lá sắt tây loại làm thùng tưới nước cũng khá cứng nên làm lâu. Sau này quãng những năm 1970 khi các loại vỏ lon sữa dễ kiếm hơn thì làng nghề chuyển sang dùng vỏ lon. Trong làng có những nhà chuyên cắt ống bơ, rửa sạch, phơi khô và bó lại để cung cấp cho các nhà làm nghề. Điển hình nhất là nhà Đông Bơ (ý nói ông bà Đông cắt ống bơ). Nhà này cách nhà ông ngoại em 1 cái ao. Ngoài ra còn có cả làng lông gà lông vịt đồng nát cát tút bên kia sông Tô Lịch cũng cung cấp ống bơ cho làng nghề Khương Hạ. Chính là làng Triều Khúc. Tính ra cũng chuyên nghiệp phết, có những mối tình em bên này sông cắt ống bơ tặng anh bên nớ gò tàu thuỷ :P


Hoài Niệm Đồ CHơi Trung Thu Tàu Thủy Sắt Tây 1


Nhà ông ngoại tôi những đợt cao điểm cả cái nhà ngói 4 gian rộng thênh thang chỉ toàn tàu chiến. Đèo mẹ chắc những xưởng đóng tàu chiến vãi linh hồn thời nay cũng chỉ thế là cùng. Hết Giêng tháng Hai bắt đầu làm, tới tháng Sáu âm lịch là dân Hàng Mã đã về khuân tàu chiến lên phố rồi. Trước khi có đồ chơi Tung Của thì tàu thuỷ sắt tây làng em đúng là bố của vip luôn. Tuy cả làng chỉ có tầm chục nhà làm tàu thuỷ thôi nhưng mà các cụ ngày xưa ăn ít đẻ khoẻ, mỗi ông toàn đẻ chục người. Như ông ngoại em có 8 người con, 6 trai 2 gái. Tới khi các ông bà này lấy vợ lấy chồng ở riêng thì lại thành chừng ấy nhà làm tàu thuỷ. Thế nên vào vụ đi đâu trong làng cũng thấy gõ cành cạch, cũng thấy bếp than đá với những mỏ hàn đồng rực lửa. Làm tàu thuỷ có thể nói là khó nhất trong các loại đồ chơi thợ thiếc vì nó quá nhiều chi tiết, lắt nha lắt nhắt, nhưng thực ra chả có đáo gì khó. Quan trọng nhất là làm được cái nồi máy thôi, những thứ khác theo tôi đều là vớ vẩn. Muốn tàu chạy được và kêu phạch phạch phạch thì phải dùng búa giọt cái lá đồng thật chuẩn. Không thì sẽ thành tàu điếc, tức là xịt méo chạy được, chỉ thả nổi trên mặt nước thôi. Nguyên lý chạy tàu thì cũng chả có gì cao siêu, từ cái nồi máy có hai ống sắt nối xuống đáy tàu. Trước tiên đổ đầy nước vào nồi máy thông qua 2 ống này rồi thả xuống nước. Ta đốt lửa bằng một cái bầu dầu tẩm bông và dầu hoả đặt bên dưới nồi máy. Một lúc sau nước trong nồi máy sôi và cái lá đồng dao động đẩy nước bên trong ra làm tàu chạy, chính cái lá đồng dao động tạo nên tiếng pạch pạch đó. Nếu không thích dầu hoả các anh cắt mẩu nến để bên dưới cũng ok. Có điều theo tôi như thế mất đi cái hồn của tàu thuỷ sắt tây. Cái mùi dầu hoả cháy nó không chỉ hợp với chiếc tàu mà còn gợi nhớ cả một thời tuổi thơ khốn khó, gợi nhớ về những khu tập thể với chiếc bếp dầu con con.

Vip thì vip thế nhưng làm nghề này không giàu được vì toàn làm thủ công nên sản xuất được ít quá. Một người thợ lành nghề cả năm cũng chỉ sản xuất được vài trăm chiếc, tính ra chẳng được bao nhiêu tiền. Nói chung là không sống được bằng nghề khi xã hội ngày một người khôn của khó. Như trước đây không có đồ Tàu còn đỡ, sản xuất bao nhiêu có người trên phố về tận nhà mua hết. Tới hồi đồ chơi Tung Của tràn về, rẻ òm mà bóng bẩy thì đồ chơi sắt tây trong đó có tàu thuỷ bắt đầu đi vào giai đoạn thoái trào. Người ta không về tận nhà mua nữa mà mình phải tự mang đi bán. Thường cứ bắt đầu từ 1/8 âm lịch khi Hàng Mã đỏ rực sắc trung thu, mẹ tôi và các bác, các cậu, các anh chị đạp xe chở những sọt tàu lên phố bán. Ngồi nhờ ở cửa nhà người ta, mà phải nép nép vào gốc cây chứ dân Hàng Mã những ngày ấy cũng hàng hoá chất cao, chướng mắt chẳng những vừa nghe chửi mà còn ăn đòn gánh bỏ mẹ ấy chứ. Tổ sư có từng đi bán tàu thuỷ sắt dạo mới hiểu nỗi khổ như nào. Chủ nhà đuổi còn đỡ, tí lại mặt dày ngồi tiếp. Công an đuổi mới khổ bê sọt tàu chạy như chạy giặc. Có mót đi vệ sinh thì cũng đành cố nhịn chờ người nhà ra trông mới chạy đi, mà bí quá thì vứt mẹ sọt tàu đấy. Vì bán ở Hàng Mã mà muốn đi vệ sinh phải vào tận chợ Đồng Xuân cơ. Thường tháng Tám âm là mùa mưa bão, có hôm đi đái về thấy trôi mẹ cả sọt tàu thuỷ. Tôi được đào tạo bán hàng cũng từ những năm lếch thếch theo mẹ đi bán tàu như thế. Ngày 14, 15 mà nắng ráo còn đỡ chứ mưa cái là ngồi nhìn nhau rồi cưỡi tàu chiến về sang năm bán nhé. Vì hết rằm thì đáo ai người ta mua nữa. Làm cả năm, bán mấy ngày, hên xui thời tiết. Mà nghề thì độc hại, axit aseo, khói than bụi lò, nóng bức, ngồi từ sáng đến tối gõ kì cạch cắt cắt vạch vạch đến gù cả lưng. Thế nên làng nghề dần dần rơi rụng bớt. Cái này là thời thế thế thời nó phải thế chẳng trách được.

Lứa nghệ nhân gạo cội như ông ngoại tôi mất đi thì tới lớp bác tôi, mẹ tôi và các cậu. Trong đó phải kể tới ông bác thứ ba của tôi, bác Cảnh, có thể nói là xuất sắc. Vì cỡ mẹ hay các cậu tôi năm làm được kịch kim 500 chiếc thì riêng ổng một mình làm ra tầm 2000 cái. Ổng ngồi thâu đêm suốt sáng trong căn nhà bé teo nồng nặc mùi than lò. Cơ mà tôi nghĩ một trong những lý do ảnh hưởng tới nghề thợ thiếc Khương Hạ phải kể tới ông già tôi. Ông nội tôi gốc Thái Bình, là đầu bếp của sứ quán Việt Nam tại Anh, sau cụ mất vì ung thư khi tôi vừa tròn 8 tháng. Cụ lên HN mua nhà rồi đưa cả nhà lên. Vì nhà ông nội sát vách ông ngoại nên ông già tôi mới tán và cưới mẹ tôi. Ông già tôi và ông chú ruột cưới con gái của hai nhà thợ thiếc đình đám nhất Khương Hạ. Chính là nhà ông Tư Nhâm và ông Cả Chí. Và cũng chính ông già và ông chú tôi là người đã đưa máy cóc phanh đột dập áp dụng vào cái nghề thợ thiếc ở đây. Nếu như ở trên ông bác thứ ba của tôi làm 1 năm được 2000 chiếc tàu, xem là khủng khiếp, thì chỉ năm đầu tiên ông già tôi lên khuôn đột, nhà tôi tăng sản lượng từ 500 lên 3000 chiếc. Sức mạnh của máy móc, những nhà làm thủ công không thể theo được. Ông chú tôi thì chuyên về chân cắm hương vòng, đánh bật hết tất cả những nhà khác trong làng. Họ cũng rụng tiếp.

Thế nhưng các anh các chị ah, cú đánh knock out lại là vì ĐẤT. Một dạo làng tôi lên cơn sốt đất. Ngủ dậy cái là thành tỉ phú. Toàn nông dân mà có đếch gì đâu ngoài đất. Có nhà bán đất đi cầm vài tỉ trong tay. Mà tiền tỉ hồi đấy to bỏ mẹ ra. Chả nghĩ ra tiêu gì cho hết tiền thì hơi đáo đâu làm cái nghề vừa nghèo vừa khổ mà chả được mấy đồng. Thế là bỏ nghề. Khi tiêu gần hết tiền bán đất thì làng tôi chuyển sang xây nhà trọ nuôi sinh viên. Thế là bỏ hẳn. Huyền thoại về một làng nghề đình đám ven sông Tô Lịch biến mất từ đây. 

Giờ cả làng làm tàu thuỷ sắt tây chạy dầu hoả này chỉ còn 2 người. Một là cậu út tôi, nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hùng. Hai là chị Hằng con nhà bác tôi. Ông cậu này là út, thứ 8 nên bọn tôi hay gọi là cậu Tám. Lúc lão còn trẻ, hồi đó tôi chỉ lít nhít, từng thấy mỗi năm lão chế quả siêu chiến hạm bằng sắt tây, chắc phải to gấp 4 lần cái tàu cỡ bự nhất bây giờ các anh chị còn thấy. Tàu có tám cái nồi máy và có cả đèn điện công tắc pin các kiểu, gạt công tắc cái là sáng trưng. Hồi đấy thần tượng ông cậu vãi đạn, cả làng nghề có mỗi lão làm được cái tàu to thế, khéo tôi ngồi lên bơi mẹ ra biển được luôn í. 

Những năm nhà tôi mới chuyển ra bờ sông này, chừng 30 năm trước, cái sông Tô Lịch đúng như thơ luôn.


"Sông Tô vừa trong vừa mát

Thuyền anh đi sát thuyền em"


Thề luôn, không bẩn thỉu như bây giờ. Vó bè san sát như mắc cửi khác chi làng chài. Tầm trung thu mấy lão thanh niên khu tôi toàn buộc dây vào xong cho tàu chạy từ bờ bên này sang bờ bên kia. Lắm khi kéo lại chìm mẹ cả tàu :v Nói chung cũng là những kỉ niệm đẹp của thời ấu thơ.

Nhiều báo đài viết ông cậu út tôi là nghệ nhân cuối cùng làm tàu thuỷ, thực ra tôi thấy đếu đúng. Vì năm nay ông cậu tôi cũng đã già, tầm chục năm nữa tay cũng run run làm thế đách nào được. Nên chị Hằng tôi là nghệ nhân cuối cùng mới đúng vì chị còn trẻ. Bét còn đóng tàu phục vụ tổ quốc được mươi năm nữa. 

Mà các cụ bảo khi một cánh cửa đóng lại nghĩa là năm chục cánh cửa khác đang mở ra. Biết đâu Khương Hạ sắp thành làng nghề làm bánh wagashi và có lẽ vài trăm năm sau nữa nó lại trở thành truyền thuyết sau một cơn sốt đất khác.

Dù đang bận bịu mờ mắt nhưng vẫn lôi máy ra quay cái clip ngăn ngắn phục vụ anh chị em. Móc cả cái nhà kho mới được cái chậu nhôm từ đời tòng cổ cho nó có tinh thần... bao cấp. Clip hơi hèn chút nhưng vui, cả xóm xúm lại xem. He he. Tôi nghĩ dân chơi HN 6x trở đi thì chẳng ai không biết món này. Niềm tự hào và mơ ước một thời. Trừ tôi vì nhà tôi là xưởng đóng tàu luôn



Tin vui là sau khi lục tìm, Thuvui.net cũng đã tìm ra shop đồ chơi nhận ra giá trị và có bán món tàu thủy sắt tây này. Bạn có thể tìm mua tại đây: http://www.cuahangmohinh.com/products/tau-thuy-sat-tay-chay-bang-den-dau-xua


Dochoimohinh.net - Hoài Niệm Đồ CHơi Trung Thu Tàu Thủy Sắt Tây

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đồ chơi mô hình tĩnh, xe mô hình, chơi đồ chơi mô hình figure. Thông tin về đồ chơi mô hình; moto mô hình; xe mô hình mô hình tĩnh, hãy thư giãn với đồ chơi mô hình cùng Tinyland