Được tạo bởi Blogger.

Lắp ráp mô hình tỷ lệ chính xác - Mô hình kit

Bạn muốn có trong tay chiếc xe tăng T-54 số hiệu 843 từng húc đổ cổng rào “dinh Độc lập” vào thời khắc lịch sử 30 tháng 4 năm 1975, hay chiếc chiến đấu cơ phản lực tiêm kích MIG 21 từng bắn rơi “pháo đài bay" B-52 với đúng số hiệu của anh hùng không quân Phạm Tuân?
Mô hình chiếc T 54 đã húc đổ cổng dinh Độc Lập
Điều này không có gì khó đối với một người chơi mô hình lấp ráp tỷ lệ chính xác (fine-scale modeling). Nhiều đồ chơi mô hình hoàn chỉnh đến mức khó phân biệt được với vật thật nếu chỉ nhìn ảnh chụp.

Thế nào là mô hình tỷ lệ chính xác?
Nếu là dân "ngoại đạo" chưa lắp ráp mô hình loại này bao giờ, bạn hãy hình dung mình đang có trong tay một hộp mô hình. Bìa hộp in hình vẽ rất bắt mắt, đẹp như thật. Hình vẽ có thể là chiếc xe tăng T-54, hoặc máy bay MIG 21 nói trên, hoặc một loại khác-chiến hạm, mô hình xe đua thể thức 1 của hãng Ferrari, tàu Titanic, hay một chiếc mô tô Honda 1.000 phân khối - chẳng hạn. Mở hộp ra bạn sẽ thấy bên trong là hàng chục, hàng trăm, có khi cả ngàn chi tiết bằng nhựa đúc liền với các khung chữ nhật.

Vĩ mô hình trước khi lắp ráp
 Điều thú vị của trò chơi này là ở chỗ từ mớ chi tiết tưởng như rời rạc đó, người chơi sẽ ráp chúng lại, sơn, dán “đề can” và chăm chút sản phẩm của mình cho đến khi nó trở thành một bản sao y như thật.
Đặc điểm lớn nhất phân biệt mô hình tỷ lệ chính xác với các loại mô hình lắp ráp khác là tỷ lệ đúng với kích thước thật. Tỷ lệ đó vô cùng đa dạng tùy thuộc vào độ lớn của vật thật-vật thật càng lớn thì tỷ lệ mô hình càng nhỏ. Một vài ví dụ về các mô hình thường thấy như sau: mô hình người (binh sĩ, phi công v.v...) thường có tỷlệ 1/6, 1/9, 1/35; mô hình máy bay: 1/24, 1/32, 1/48, 1/72, 1/100, 1/144; mô hình xe tăng/xe quân sự: 1/16, 1/35, l/48, l/72; mô hình xe hơi: 1/16, 1/24, l/32. Các tỷ lệ này thường được tuân thủ một cách khá nghiêm ngặt. Nếu bạn có một mô hình chiến đấu cơ MIG 15 tỷ lệ 1/48 của hãng Tamiya có chiều dài 213mm, nhân con số đó với 48 sẽ được 10,2 mét, nghĩa là cũng xấp xỉ với kích thước thật của chiếc MIG 15.
 
Lắp ráp là... chuyện nhỏ
Công việc đầu tiên của người chơi trò tiêu khiển này là ráp các chi tiết rời rạc lại với nhau. Bạn cần một chiếc kìm cắt để cắt rời các chi tiết từ các khung chữ nhật. Các chi tiết được dán lại với nhau bằng loại keo đặc biệt có tác dụng làm chảy bề mặt nhựa. Việc ráp các chi tiết phải theo một trình tự nhất định, nhưng bạn đừng lo vì đã có sẵn bản hướng dẫn rất tỉ mỉ trong hộp. Thông thường bạn chỉ cần theo đúng trình tự đó là được.
Do phần lớn các chi tiết đều bằng nhựa cùng màu nên khi ráp xong, "tác phẩm" của bạn cũng chỉ có một màu-màu của nhựa. Để cho mô hình nhìn "y như thật", bạn phải thực hiện công đoạn kế tiếp là sơn. May mắn thay, các nhà sản xuất đã pha sẵn hàng trăm màu sơn khác nhau để dân chơi mô hình chọn và pha chế. Đơn giản nhất là bạn cứ chọn màu theo bản hướng dẫn lắp ráp hoặc dựa theo các tài liệu khác có liên quan. Bạn có thể sơn bằng cọ, nhưng để đạt được hiệu quả tốt hơn, nên sử dụng một pistolet (súng sơn thổi bằng khí nén) loại nhỏ.

Tỉ mỉ bên mô hình
Sau khi sơn xong, bạn sẽ dán “đề can”. Trên thực tế, các chiến cụ, đặc biệt là phi cơ, thường được trang trí khá cầu kỳ với các huy hiệu, biểu trưng, phiên hiệu rất nghệ thuật, làm nên vẻ đẹp riêng. Các huy hiệu đó được in trên một lớp màng cực mỏng trong suốt được dân chơi mô hình gọi là "đề can". Lớp này sẽ bong ra sau khi được ngâm trong nước vài phút. “Đề can” nào dán ở đâu đã có chỉ dẫn sẵn, cứ thế mà làm.
Tới công đoạn này, dân chơi mô hình tạm chia thành hai "trường phái": cũ và mới. Trường phái mới hài lòng với nước sơn còn mới toanh, chưa có một vết trầy xược và đem mô hình chưng ngay vào tủ kiếng để ngắm. Nhưng dân chơi theo trường phái cũ thì không ưa các loại xe tăng, máy bay v.v... “mới xuất xưởng” như vậy. Họ chuyển sang công đoạn kế tiếp: làm cũ (weathering).
"Làm cũ là cả một nghệ thuật", một dân chơi thuộc trường phái này phát biểu, và xem ra cũng... có lý phần nào. Thông thường các chiến cụ được sử dụng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên không thể như mới được. Có vô số phương pháp và nguyên liệu để dân chơi mô hình phát huy sáng tạo -từ kỹ thuật "dry brushing" (làm cho một số bộ phận có vẻ như bị mài mòn qua thời gian sử dụng), làm bùn bám vào bánh xe, kính xe (bùn thực ra thường là bột phấn họa sĩ), cho đến khói thuốc súng, vết dầu mỡ, vết sơn mòn, tróc v.v... Tay nghề càng cao thì "tác phẩm" càng giống thật.

Sa bàn và "đồ nghề"
Làm sa bàn là một bước cao hơn trong nghệ thuật chơi mô hình tỷ lệ chính xác. Thông thường, sa bàn tái hiện lại một cảnh trong một thời điểm lịch sử nào đó. Ví dụ: cảnh đấu tăng trong chiến dịch Kursk trong Thế chiến thứ hai, cảnh chiếc xe tăng T 54 húc đổ cổng dinh Độc lập, đã nói ở trên, hay cảnh quân Mỹ trong cuộc hành quân Junction City, năm 1967. Để làm được sa bàn, phải có tư liệu và nhiều loại mô hình khác nhau để "dàn" được một cảnh công phu.
Một sa bàn mô hình kit
Thông thường dân chơi mô hình trang bị cho mình kềm cắt, kéo, dao mổ (dùng để cạo các phần nhựa thừa), súng sơn, máy nén khí nhỏ (dùng cho súng sơn), cán và lưỡi khoan loại nhỏ, các vật liệu làm cũ như phấn họa sĩ, bột chì min v.v... Kềm có thể mua tại cửa hàng rôbô đường Cao Thắng; kéo và dao mổ mua tại các cửa hàng dụng cụ y khoa; súng sơn, máy nén khí ở khu Dân Sinh hoặc cửa hàng Nhơn Hưng (Hùng Vương, Q.11); cán và lưỡi khoan nhỏ tại các cửa hàng chuyên bán đụng cụ thợ bạc. Bột phấn họa sĩ tại cửa hàng Bạn Nghệ Thuật đối diện trường Bùi Thị Xuân.

Giá bao nhiêu, mua ở đâu?
Hiện nay, phổ biến nhất ở Việt Nam là mô hình của các hãng Revell- Monogram (Mỹ); Hasengawa, Tamiya (Nhật); và Academy (Hàn Quốc). Một đồ chơi mô hình tỷ lệ chính xác có thể từ vài chục ngàn đến vài triệu đồng. Có lẽ hiện thời máy bay F-4E tỷ lệ 1/32 của hãng Tamiya ở Saigon Center giá 2,2 triệu đồng là mô hình cao giá nhất.
Trước đây, dân chơi mô hình không lạ gì "tứ trụ cửa hàng", gồm Mai (137 Cao Thắng, Q. 10), Robo (162 Cao Thắng, Q. 10), Sao Đỏ (48 Lê Hồng Phong, Q. 5), Nam Quang (Nguyễn Trãi, Q.1). Nay thì Nam Quang gần như đã lùi vào "bóng tối", nhưng một địa chỉ khác lại nổi lên: lầu 3 của Saigon Center chuyên bán hàng Tamiya với nhiều mô hình độc chiêu chỉ thấy trên mạng, tuy nhiên giá khá cao. Khu đồ chơi trẻ em của siêu thị Maximark Ba Tháng Hai cũng bày bán vài mô hình, giá khá đắt. Cửa hàng Thanh Hằng trên đường Nguyễn Kiệm cũng có một số mô hình do Trung Quốc sản xuất. Một cửa hàng trên đường Ngô Nhơn Tịnh, Q.6, dường như là nơi nhập sỉ hàng của hãng Dragon (Trung Quốc) cung cấp lại cho một số cửa hàng ở TP.HCM.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đồ chơi mô hình tĩnh, xe mô hình, chơi đồ chơi mô hình figure. Thông tin về đồ chơi mô hình; moto mô hình; xe mô hình mô hình tĩnh, hãy thư giãn với đồ chơi mô hình cùng Tinyland